THỬ BÀN VIỆC TỔ CHỨC LỄ GIỖ TỔ HỌ LÊ VIỆT NAM
Từ xưa nhân dân ta đã có câu ca dao:
"Con người có tổ có tông
Như cây có gốc như sông có nguồn"
Câu ca dao trên đã nói lên đạo lý “Hiếu- Nghĩa” của con cháu đối với tổ tiên, ông bà - uống nước nhớ nguồn.
Xuất phát từ đạo lý trên, nhân dân ta đã tổ chức những lễ giỗ tổ vua Hùng, giỗ tổ các họ phái và xây dựng các nhà thờ, lăng miếu tượng đài… để tưởng niệm các bậc tiền nhân. Việc tổ chức lễ giỗ tổ dòng họ rất phù hợp lòng người và đường lối văn hoá của Đảng là: “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.
Từ nhận thức trên họ Lê tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức 6 lần lễ giỗ tổ họ Lê Việt Nam. Qua thực tế, chúng tôi xin nêu một số ý kiến khác nhau để xin sự giúp đỡ của bà con trong dòng họ.
1/- Ngày giỗ tổ :
Hiện nay chúng ta chưa biết tên tuổi, ngày sinh, ngày mất của ngài thuỷ tổ họ Lê Việt Nam. Các bộ sách quốc sử lớn như: Đại Việt sử ký toàn thư, Lê triều ngọc phổ, Khâm định Việt sử thông giám cương mục… đều không ghi tên tuổi của ngài thuỷ tổ họ Lê. Trong lúc chờ đợi các nhà sử học nghiên cứu, chúng tôi tạm thời lấy ngày 16 tháng 01 âm lịch là ngày mất của ngài Triêu tằng tổ cao thượng tổ Lê Đột là cố nội của vua Lê Đại Hành (theo sách Nhân vật họ Lê trong Lịch sử Việt Nam của Phan Ngô Minh và Lê Duy Anh, nhà xuất bản Đà Nẵng) để làm ngày giỗ tổ họ Lê Việt Nam (xin nói rõ lấy ngày 16 tháng 01 âm lịch là ngày giỗ tổ, không phải giỗ ngài Lê Đột là thuỷ tổ họ Lê Việt Nam).
Việc tổ chức lễ giỗ tổ họ Lê Việt Nam có nhiều ý nghĩa và tác dụng lớn trước mắt cũng như lâu dài…Từ đó tôi xin có vài ý kiến như sau:
Tuy chúng ta chưa biết tên ngài thuỷ tổ họ Lê Việt Nam cũng như các họ khác đều phải có thuỷ tổ. Tất nhiên ngài thuỷ tổ phải sinh ra trong chế độ phụ hệ. Theo tôi hiểu, thuỷ tổ là ông tổ đầu tiên sáng lập ra dòng tộc, hoặc các tổ chức văn hoá xã hội, nghề nghiệp… Họ Phan Việt Nam lấy ngày mắt của ngài Phan Tây Nhạc. Họ Trần lấy ngày mất của ngài Thái Thượng Tổ thượng hoàng Trần Thừa. Ngành Y tế lấy ngày mất của Y sư Lê Hữu Trác làm ngày giỗ tổ… Nhưng cũng có tổ chức chưa biết ngày giỗ tổ thì họ chọn ngày tốt nhất trong năm (Xuân Thu Nhị Kỷ) hoặc lấy ngày giỗ của ngài cao đời trong tổ chức đó để làm ngày giỗ tổ. Ở Thừa Thiên Huế có nhiều họ phải lấy ngày giỗ tổ họ phái mình theo phương thức này. Từ tập quán đó, tôi xin đề nghị 2 ý kiến chon ngày giỗ tổ họ Lê Việt Nam:
- Một là lấy ngày Thanh minh là ngày tốt, đẹp trong năm để làm ngày giỗ tổ. Ngày Thanh minh thường rơi vào những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch. Ngày mà nhà đại văn hào Nguyễn Du đã ca ngợi:
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
- Hai là lấy ngày mất của vua Lê Đại Hành, mùng 8 tháng 3 âm lịch là ngày giỗ tổ họ Lê Việt Nam (không phải tôn vinh vua Lê Đại Hành là thuỷ tổ). Vua Lê Đại Hành sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (941), mất ngày 8 tháng 3 năm Ất Tỵ (1005), quê Xuân Lập, tỉnh Thanh Hoá. Ngài có công lớn giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân, lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân Tống xâm lược, xây dựng đất nước vững mạnh và ngài là người mở đầu sự nghiệp vương triều vinh quang của dòng họ Lê Việt Nam.
2- Nghi thức lễ giỗ tổ họ Lê Việt Nam:
Tuỳ theo tình hình mỗi nơi, mỗi lúc, lễ giỗ tổ cần kết hợp nghi thức mới và cũ. Đại thể nội dung buổi lễ như sau:
- Phần đầu làm theo nghi thức mới: tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần đến dự, đọc diễn văn lễ giỗ tổ…
- Phần thứ hai theo nghi thức cổ truyền: lễ bái, chúc văn, dâng hương…
- Cuối cùng tổ chức toạ đàm tình hình của dòng họ, liên hoan v.v…
Hiện nay đa số con cháu trong dòng họ đã bước đầu nhận thức được Việt Nam chỉ có một họ Lê. Trong sinh hoạt dòng họ hoặc gặp nhau đâu đó đều coi nhau như anh em, tình cảm thân thiết, măn nồng. Đặc biệt gần đây chúng ta đã có Hội đồng họ Lê Việt Nam hoạt động trên phạm vi cả nước. Từ đó chúng tôi mong mọi hoạt động của dòng họ phải trên tinh thần: cội nguồn, hiếu nghĩa, đoàn kết, phát triển./.
Lê Quang Minh
Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê tỉnh Thừa Thiên - Huế
Đ/c: 382 Chi Lăng- tp Huế, DT : 054.528543