8/22/11

Tọa đàm giữa ông Nguyễn Trần Bạt và các cán bộ nghiên cứu (Phần 1)

Ông Nguyễn Trần Bạt

Chúng tôi nhận thấy đây là bài viết khá hay nên post lên đây để bà con chúng ta có điều kiện tham khảo


                                      TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC

Ông Phạm Ngọc Quang: Tôi xin giới thiệu anh Nguyễn Trần Bạt, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư và Chuyển giao công nghệ. Hiện nay, công ty anh Bạt có khoảng 300 nhân viên làm việc ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Công ty đã làm việc với rất nhiều dự án nước ngoài như Coca-Cola, IBM… Anh Bạt đã từng tiếp hàng nghìn người nước ngoài và là một người am hiểu nhiều vấn đề. Anh Bạt cũng đã đi rất nhiều nước, đến nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới thuyết trình và đã từng gặp gỡ, trao đổi với Tiến sĩ Henry Kissinger.

Tôi cũng xin giới thiệu với anh Bạt về thành phần đoàn của chúng tôi gồm:
- Tiến sĩ Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương.
- Phó giáo sư, Tiến sĩ Đàm Đức Vượng, Nguyên Chánh văn phòng Hội đồng Lý luận Trung ương.
- Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Quang, Thường trực chuyên trách Hội đồng khoa học, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà, Vụ trưởng, Ban Tuyên giáo Trung ương.
- Thạc sĩ Lê Đức Thắng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương.
- Cử nhân Hoàng Thị Minh Ngọc.
Trong buổi làm việc hôm nay, chúng tôi đề nghị anh Bạt trao đổi về 2 vấn đề nhưng thực ra chỉ là một, đó là vấn đề dân chủ, đồng thuận, đoàn kết đối với doanh nhân và trí thức, bởi vì doanh nhân là một đặc thù trí thức. Làm thế nào để phát huy dân chủ, đoàn kết, đồng thuận xã hội đối với đội ngũ doanh nhân, làm thế nào sử dụng tốt đội ngũ doanh nhân để giải phóng khả năng phát triển và sáng tạo của họ, và trọng dụng doanh nhân như thế nào là hợp lý để phát huy sức mạnh của doanh nhân.
Ông Nguyễn Trần Bạt: Thực ra, tôi không có bất kỳ một bài thuyết trình nào cụ thể về vấn đề này, nhưng tôi đã nghiên cứu gần như tất cả những vấn đề có liên quan đến khả năng sáng tạo và cảm hứng của sự sáng tạo trong đời sống nói chung. Tôi chưa nói đến đời sống trí thức vì tôi không đồng ý với khái niệm gọi là tầng lớp trí thức, tôi cho rằng trí thức có mặt trong mọi hoạt động, mọi hành vi hàng ngày của con người. Trước đây, khi anh Trần Hoàn còn là Phó ban Văn hoá Tư tưởng Trung ương, trong một buổi giao lưu với các nhà báo có sự tham gia của anh ấy, tôi có nói rằng, tôi không tin có nhà chính trị, có người trí thức, có nghệ sỹ, có nhà báo… mà đấy chỉ là những trạng thái khái nhau, quán xuyến những giai đoạn khác nhau trong đời sống của con người. Khi đặt bút viết quyển sách Cội nguồn cảm hứng vừa xuất bản, tôi có giải thích hầu hết những vấn đề liên quan đến đời sống tinh thần của con người. Trong quyển sách này, tôi phân chia Tự do ra làm hai không gian. Tự do có tính chất điều kiện, tức là nó liên quan đến việc xây dựng thể chế, tôi gọi là tự do bên ngoài, tự do khách quan. Còn không gian tự do bên trong chính là không gian tinh thần của con người, nó phải có những yếu tố tự do riêng. Và tự do nói chung được định nghĩa là: Sự dịch chuyển song song của ý nghĩ và hành vi. Ở chỗ nào ý nghĩ được biến thành hành động một cách tự nhiên thì ở đấy có tự do.
Trong buổi toạ đàm hôm nay với các anh, những nhà lý luận của Đảng, tôi không nói về tự do bên trong mà tôi muốn nói về tự do bên ngoài, tức là các điều kiện vĩ mô của đời sống con người. Nó liên quan đến rất nhiều yếu tố, trong đó, có lẽ yếu tố chính trị là số một. Các nhà tiền bối của chúng ta nói rằng Chính trị là thống soái thì rất nhiều người hiểu thống soái là chỉ huy, nhưng tôi nghĩ rằng, chính trị chỉ chỉ huy ở một số điều kiện, cho nên, phải nói là chính trị hướng dẫn mới đúng. Nếu những yếu tố chính trị không tích cực thì rất khó để con người có điều kiện sáng tạo và phát triển.
Vấn đề thứ hai mà tôi muốn trao đổi với các anh là Quyền lực. Quyền lực tác động một cách khủng khiếp đến khả năng phát triển của con người. Quyền lực là nguồn gốc tạo ra nỗi sợ, và sự sợ hãi là yếu tố trực tiếp ngăn cản toàn bộ cảm hứng phát triển. Người ta hay nói đến sự sợ hãi gắn liền với cách mạng, chiến tranh, chết chóc… những tôi là một người lính đã từng ra trận, đã từng đối mặt với cái chết, tôi hầu như chưa thấy các biểu hiện sợ chết nào đó của người lính. Ở đấy người ta sẵn sàng rủ nhau hy sinh một cách rất tập thể. Tôi đã từng sống trong môi trường có hàng chục ngàn nữ thanh niên xung phong. Lúc bấy giờ cuộc sống khổ lắm, ngay cả cái quần lót, áo lót cũng thiếu, rồi bệnh ngoài da, bệnh sốt rét hành hạ nữa… Với tư cách là một anh trí thức ra trận, tôi quan sát họ nhưng tôi không nhìn thấy ở họ sự sợ chết, sợ khổ, sợ cô đơn cũng không. Còn bây giờ, nói chuyện với nhiều nhà cách mạng đã về hưu, những người ở tuổi 80 trở lên, tôi thấy trong họ bắt đầu tiềm ẩn những nỗi sợ. Vậy cái gì tạo ra nỗi sợ của những người cực kỳ dũng cảm như vậy ở giai đoạn hiện nay? Tôi cho rằng, đó là dấu hiệu của những tác động quyền lực.
Vấn đề thứ ba mà tôi muốn trao đổi là trí lực, trí tuệ. Ở vấn đề này, tôi muốn dẫn đến việc phân tích toàn bộ tiến trình phát triển của thế giới hiện nay, nhất là phân tích hiện tượng khủng hoảng kinh tế thế giới. Tôi có trao đổi vấn đề này với anh em Vietnamnet, sau đó họ đăng bài của tôi phân tích về hiện tượng Obama. Thực ra tôi lấy hiện tượng ấy để phân tích những quan điểm của tôi về khủng hoảng kinh tế thế giới. Khi khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, có rất nhiều quan điểm khác nhau phân tích hiện tượng này. Có người nói rằng, bây giờ chủ nghĩa tư bản sụp đổ rồi, chủ nghĩa xã hội đang quay lại và nước Mỹ sẽ là nước xã hội chủ nghĩa. Tôi đọc tất cả những bài phân tích như vậy và tôi thấy một nguy cơ có thể xảy ra là chúng ta sẽ xét lại toàn bộ quá trình Đổi nới và xây dựng nền kinh tế thị trường. Vì thế, tôi cho rằng cần phải phân tích toàn bộ hiện tượng Obama , phân tích toàn bộ hiện tượng kinh tế thế giới để nói đến một vấn đề mà hôm nay tôi nói với các anh là: sự sụp đổ của nền kinh tế thế giới hiện nay chính là kết quả của sự phát triển một cách đột biến của kinh tế tri thức, và nó vượt ra ngoài năng lực hiểu biết, năng lực quản lý của tất cả các chính phủ. Các anh biết rằng với khối lượng 500.000 tỷ đô la thì nó nằm bên ngoài năng lực kiểm soát của tất cả các chính phủ. Và chính những yếu tố như thế tạo ra sự khủng hoảng đến mức một người như Greenspan khi đến điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ ngớ người ra và ông ấy phải nói câu kết thúc rằng: “Ngay cả khi đã phân tích như thế này rồi, tôi vẫn không hiểu tại sao lại khủng hoảng”. Chúng ta đã nhìn vấn đề kinh tế tri thức một cách cực kỳ đơn giản. Khi đọc những bài viết của một số giáo sư ca ngợi nền kinh tế tri thức, tôi thấy nổi da gà, vì tôi biết rất rõ rằng nền kinh tế tri thức có thể mang lại những tai hoạ khủng khiếp như thế nào, tôi biết rất rõ rằng cái rủi ro thật sự của tất cả các chính phủ nằm ở đâu. Cái cảm hứng sáng tạo, nhất là trong khu vực doanh nhân, là một khái niệm hoàn toàn không lãng mạn, nó vừa là động lực của sự phát triển, vừa là nguy cơ của sự phát triển, bởi vì sự phát triển thái quá cũng là một nguy cơ. Trong cuốn sách Cội nguồn cảm hứng, tôi gọi hiện tượng thái quá là sự lộng hành của các khái niệm, của các mặt khác nhau của đời sống như vậy tạo ra những nguy cơ hết sức nghiêm trọng đối với tất cả các nhà cầm quyền. Mọi nhà cầm quyền đều rơi vào trạng thái bất ngờ trước sự phát triển có chất lượng đột biến của kinh tế tri thức. Nghe các quan chức nói trên ti vi, đài, báo đón quỹ này, đón quỹ kia, nhiều khi tôi thấy lo. Tôi là người khá có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, tôi không nói là hiểu biết vì hiểu biết của người Việt chúng ta về vấn đề này còn ít lắm, người tiên tiến nhất trong xã hội này cũng còn xa lắm mới đạt đến trạng thái làm chủ được loại hình hoạt động của nền kinh tế hiện đại. Tôi đã có 7 năm va chạm, nghe thấy, trông thấy khi tham gia một quỹ đầu tư vào toàn bộ lưu vực sông Mê kông. Tôi nhìn thấy sự tiềm ẩn của các nguy cơ của toàn cầu hoá, nhưng không có diễn đàn để nói. Hôm nay, phải nói rằng rất cám ơn các anh đã hỏi để tôi có cơ hội nói những vấn đề như thế với các anh. Đặt ra vấn đề đoàn kết và đồng thuận trong xã hội, nhất là đối với giới doanh nhân và đặt ở tinh thần như thế này thì phải nói rằng, như vậy là chúng ta quá trong sáng. Đây là một lực lượng có tính chất gây nổ đối với mọi xã hội, không phải là lực lượng cần động viên, nhất là doanh nhân. Họ không sống bằng sự động viên của các nhà lý luận, của đảng và nhà nước. Âm thầm trong họ có ẩn chứa nhiều nhân tố. Những nhân tố ấy xét về mặt tích cực là động lực của sự phát triển của mọi nền kinh tế, nhưng nó cũng đồng thời tiềm ẩn những yếu tố gây sụp đổ của mọi nền kinh tế.
Trong thế kỷ của chúng ta, kinh tế đã trở thành hoạt động xã hội chủ yếu, trở thành ngôn ngữ đối thoại không chỉ của doanh nhân, mà còn của mọi nhà chính trị. Các anh thấy rằng, khoảng 20 năm nay, có đến 70-80% giải Nobel về kinh tế được trao cho các nghiên cứu ngoài kinh tế, những nghiên cứu về sự bất đối xứng của thông tin, những nghiên cứu về tâm lý. Chỉ có giải Nobel kinh tế năm ngoái là được trao cho các nhà kinh tế. Có nghĩa là kinh tế đã trở thành một đối tượng của khoa học chính trị, hay nói cách khác, từ thời Marx đến bây giờ, nó quay lại một chu kỳ là người ta phải nghiên cứu các hiện tượng kinh tế với tư cách là kinh tế chính trị học chứ không phải kinh tế học thuần tuý nữa. Mọi lý thuyết kinh tế đều có giá trị sử dụng trong những giai đoạn nhất định. Ví dụ, giai đoạn vừa rồi là giai đoạn của lý thuyết “Tân tự do” mà đại diện là các nhà kinh tế Áo. Từ khoảng đầu những năm 80 cho đến năm 1995, theo đánh giá của tôi, nó đóng vai trò cực kỳ tích cực. M. Thatcher và R. Reagan là hai nhà chính trị biết khích lệ, biết sử dụng trường phái “Tân Tự do” ấy để tạo ra sự phát triển vượt bậc của kinh tế thế giới và lôi kéo tất cả các quốc gia, kể cả Việt Nam. Ở Việt Nam chúng ta nói rằng nền kinh tế của chúng ta có định hướng này, định hướng kia nhưng trên thực tế, tiềm ẩn trong xã hội là nền kinh tế phát triển với bản chất của một nền kinh tế “Tân Tự do”. Các nhà chính trị chưa biến nó thành một khuynh hướng “Tân Tự do”, nhà nước hay Đảng chưa biến nó thành một khuynh hướng “Tân Tự do”, nhưng toàn cầu hoá đã làm cho khuynh hướng “Tân Tự do” trở thành động lực, trở thành phong cách của nền kinh tế Việt Nam trong 20 năm vừa rồi, và đỉnh cao của nó là thị trường chứng khoán. Tôi có nghe nói nhóm tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ đã tổng kết về ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới đối với Việt Nam là đến chậm, ở lâu, phá lớn và tạo ra cơ hội. Tôi không cho là như vậy. Sự khủng hoảng của nền kinh tế thế giới đến Châu Á rất sớm, nhất là đối với Việt Nam và Trung Quốc, nhưng hệ thống truyền thông của chúng ta không đủ kinh nghiệm để phản ánh nó. Chúng tôi theo dõi tất cả các mạng quốc tế về tất cả các hiện tượng nên chúng tôi biết rằng nó đến rất sớm. Tôi đã từng nói với anh em đại diện hãng Down Jones ở Hà Nội về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN Index là gần 1200. Tôi nhìn thấy chuyện ấy, tôi viết bài cảnh báo, nhưng không thấy ai có phản ứng gì cả. Khủng hoảng kinh tế thế giới đến Việt Nam rất sớm và nó cũng không ở lâu, bởi vì năng lực chịu đựng của Việt Nam là rất mỏng. Chúng ta chỉ đủ năng lượng để chịu đựng một pha chứ không đủ năng lượng để chịu đựng lâu dài. Phá lớn thì tôi cũng không cho là đúng vì chúng ta không có đủ năng lực, không có đủ chiều dày tích luỹ lớn để tạo ra một vụ nổ lớn. Tôi có viết một bài trên báo Lao động về Con ngựa và Cỗ xe kinh tế Việt Nam, trong đó tôi nói rằng, Việt Nam không có hiện tượng sụp đổ hoặc hiện tượng khủng hoảng dữ dội về kinh tế, nhưng Việt Nam rơi vào cái bẫy của sự phát triển vị thành niên mãn tính. Tám tháng sau đó, trường Princeton, Hoa Kỳ mở một cuộc Hội thảo về Việt Nam, có anh Lê Đăng Doanh và một số người đi. Tôi có nghe nói rằng, kết luận của Hội thảo đó là: nền kinh tế Việt Nam vẫn có những mặt hấp dẫn, đặc biệt là hấp dẫn đầu tư nước ngoài nhưng nó rơi vào cái bẫy của sự phát triển yếu, ở mức trung bình thấp. Như vậy khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ không thể phá lớn ở Việt Nam , còn tạo ra cơ hội thì cũng không hơn gì khi nó không khủng hoảng.
Khi phân tích khủng hoảng kinh tế thế giới, tôi thấy rằng bản chất của sự phát triển kinh tế ở thế kỷ XXI là phát triển kinh tế tri thức. Nhưng kinh tế tri thức không phải là những sản phẩm đẹp đẽ, lành mạnh được diễn đạt dưới dạng ngôn ngữ hàn lâm đơn giản mà kinh tế tri thức là những cách thức để thoát khỏi sự kiểm soát, sự điều khiển của mọi nhà cầm quyền. Đấy là yếu tố tiêu cực số một của kinh tế tri thức. Vì đóng thuế luôn là vấn đề đối với mọi nhà kinh doanh, cho nên, chỗ nào tự do về thuế là người ta đến đấy lập công ty. Tôi đã đến hai hòn đảo ở giữa Đại Tây Dương, biển Manche, có tên là Guernsey và Jersey. Đấy là hai hòn đảo mà trong hiệp ước Postdam người ta quên mất không chia cho ai cả, cho nên nó giống như Liechtenstein hoặc Luxembourg, trở thành một định chế không được phân chia, nó rất kỳ lạ là có đồng tiền riêng, hộ chiếu là của Anh, nhưng vào đó thì phải có visa. Ở đấy có hàng chục nghìn công ty được thành lập, mỗi công ty chiếm diện tích rất nhỏ, giống như nghĩa trang ở Đài Loan, tức là người ta đính tên công ty lên trên tường và một cô thư ký ở đấy trực điện thoại cho 50-70 công ty. Như vây, yếu tố tiêu cực thứ nhất của nền kinh tế tri thức trong thế kỷ này chính là sự phát triển tri thức trong việc né tránh sự kiểm soát của tất cả các nhà cầm quyền. Thứ hai là các sản phẩm tài chính của nó quyến rũ con người bất chấp khả năng hiểu biết của họ. Và người Mỹ là những người đầu tiên bị lừa trong chuyện này. Sự sụp đổ hay khủng hoảng của nền kinh tế Hoa Kỳ là do sự mất cân đối của việc “Vay” và “Tiêu”. Trong bài phân tích về hiện tượng Obama, tôi có nói là nền kinh tế tri thức thể hiện ở các sản phẩm thông minh, nhưng với các dân tộc đông dân, không có cách gì để tất cả mọi người đều tham gia vào việc sản xuất ra các sản phẩm thông minh như vậy. Cho nên, nhiệm vụ của các nhà cầm quyền là hoạch định nền kinh tế như thế nào đó để không ngăn cản mặt tích cực của kinh tế tri thức, nhưng cũng không làm mất đi cái gốc căn bản của nền kinh tế truyền thống mà những con người thông thường, những bộ phận thông thường của nhà nước, của chính phủ có thể kiểm soát được.
Khi tôi đến Mỹ lần đầu tiên, năm đó Tổng thống Clinton vừa mới nhận chức, sáng vừa mở mắt ra tôi bật ti vi và nghe thấy ông ấy nói rằng: “Hôm nay nước Mỹ có một tin vui và có một tin buồn, tin vui là đêm qua tôi vừa ký xong Hiệp ước NAFTA, còn một tin buồn là sáng nay chúng ta đã phải xử trắng án cho cầu thủ bóng bầu dục Simpson, tôi xem đấy là sự thất bại thảm hại của nền tư pháp Hoa Kỳ”. Qua những chuyện như vậy tôi muốn nói với các anh rằng, chính loài người đã nghĩ ra những mẹo, những công nghệ để xã hội hoá cả những thành tựu có chất lượng khoa học và cả những thành tựu có chất lượng tội phạm. Mà chúng ta thì chỉ để ý đến khía cạnh tích cực của nó và quên mất là chúng ta không đủ khả năng để đối phó với những khía cạnh tiêu cực của nó. Ví dụ, tôi đã cảnh báo từ lâu lắm rồi về sự xâm phạm các quyền sở hữu trí tuệ. Sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một trong những biện pháp để tàn sát cảm hứng sáng tạo. Chúng ta không thể nói khích lệ cảm hứng sáng tạo là khích lệ chính trị đơn thuần được. Chúng ta cần phải xây dựng cảm hứng sáng tạo cho người lao động, cho người dân trong cả nước, mà xây dựng cảm hứng sáng tạo về bản chất chính là xây dựng tính chuyên nghiệp của các thể chế để nó phù hợp với sự dâng lên của đời sống trí tuệ loài người chứ không chỉ có nhân dân mình, bởi vì chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hoá. Trong quá trình va chạm, từ lâu tôi đã nhận thấy rất nhiều dấu hiệu tiêu cực của nền kinh tế tri thức. Từ 10 năm trước, ở công ty của tôi, chúng tôi đã nhận được rất nhiều thư đề nghị là nếu mở một tài khoản ở Nigeria, ở chỗ này, ở chỗ kia thì ông sẽ nhận được bao nhiêu phần trăm. Không ai trên thế giới này nói chuyện mấy trăm triệu đơn giản cả, ở chúng ta nói chuyện mấy chục tỷ cứ như chuyện chơi. Tôi đã từng viết bài cảnh báo rằng, bất động sản không phải là một loại dự án đầu tư nước ngoài, vì 80-90% vốn là huy động từ thị trường nội địa và nói cho cùng, bất động sản là những quả mìn gài sẵn để tạo ra sự bùng nổ nếu không may cho nền kinh tế Việt Nam. Khi tỷ lệ đầu tư nước ngoài lên đến 57%, có nhiều người đến hỏi tôi về hiện tượng này, tôi nói rằng: tôi không thích đưa ra những dự báo tiêu cực, nhưng tôi run sợ trước thông tin này. Đấy là những dấu hiệu của cái gọi là nền kinh tế tri thức, nó có cả hai mặt, nếu chúng ta để ý đến những mặt tiêu cực của nó quá thì kìm hãm sự xâm nhập của những yếu tố tích cực, nhưng nếu không cảnh giác thì chúng ta sẽ chỉ đón nhận toàn cái tiêu cực.
Vậy thì việc quan niệm sai có những tác hại gì? Thứ nhất là chúng ta không chuẩn bị một chính phủ đầy đủ trí tuệ để điều hành một nền kinh tế phức tạp như vậy. Cho nên, khi quan sát các Bộ trưởng trả lời chất vấn của Quốc hội, tôi nghĩ tại sao người ta lại không tắt truyền hình trực tiếp đi. Các anh không nghĩ rằng như vậy là thông báo sự non kém của nội các với toàn thế giới để rủ tất cả những tên lừa đảo đến. Những biểu hiện như vậy là rất nguy hiểm, và có thể nói đấy là sự mất cảnh giác. Vì vậy, việc thứ nhất có lẽ là chúng ta phải chuẩn bị một chính phủ đầy đủ sự thông thái. Ví dụ, có những đồng chí lãnh đạo nói rằng, sao mọi người cứ chỉ trích tôi là không chịu đối thoại với trí thức, hàng ngày tôi tiếp xúc với rất nhiều tiến sĩ, các thạc sĩ. Nhưng họ quên mất rằng, tiến sĩ hay thạc sĩ không phải là trí thức, cái cuối cùng người trí thức mang lại cho xã hội là thông tin, là sự phát hiện những khía cạnh mà xã hội không nhận ra bộ mặt thật của nó chứ không phải danh vị của họ.
Nói tóm lại, xây dựng một hệ thống chính trị, một chính phủ thông thái là việc số một phải làm. Nhưng mà nền kinh tế thì không phát triển bằng chính phủ. Động lực cơ bản của nền kinh tế chính là sự sáng tạo của người dân, nhưng không phải trong khu vực nhà nước. Khu vực nhà nước chỉ là một công cụ có chất lượng kinh tế để thể hiện một khuynh hướng chính trị. Ở Việt Nam, để tạo ra một đơn vị phát triển của một công ty tư nhân mất một đồng thì với công ty nhà nước sẽ mất 8 đồng, tức là gấp 8 lần chi phí. Nếu mà làm kinh tế bằng các công ty nhà nước thì không thể phát triển kinh tế được, nhưng nếu không có nó thì các nhà lãnh đạo, các nhà cầm quyền không đủ tự tin để đối thoại với xã hội, cho nên, nó cần như một khoản thế chấp chính trị chứ không phải là một công cụ kinh tế. Đấy là quan điểm của tôi. Khu vực dân doanh theo thuật ngữ của ta hay khu vực tư nhân theo thuật ngữ phổ biến là động lực cơ bản của nền kinh tế, nó tạo ra công ăn việc làm, tạo ra sức mua của xã hội. Quy luật về cầu là quy luật số một của tất cả mọi trường phái kinh tế học, vì thế người ta mới phải kích cầu. Khu vực tư nhân là khu vực tạo ra năng lực tiêu dùng, cho nên muốn có năng lực tiêu dùng, muốn kích cầu thì phải thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân. Trong một lần thảo luận trên Đài truyền hình, tôi có nói rằng, kinh doanh đòi hỏi một phẩm chất, đó là lòng dũng cảm dân sự. Bởi vì, con người ở đâu cũng vậy, về cơ bản là lười biếng và nhát, sợ mất mạng, sợ mất tiền, sợ mất sự yên ổn. Cho nên, kinh doanh đòi hỏi phải có lòng dũng cảm dân sự. Nhiều người không dám phá vỡ sự yên tĩnh bình thường để làm nhà kinh doanh, cho nên gen kinh doanh là gen hiếm, đòi hỏi phải dũng cảm, đòi hỏi chất lượng chiến sỹ ở trong đấy. Vậy những người như vậy cần gì? Trong quyển sách Cội nguồn cảm hứng tôi đã phân tích rất rõ, đó là tự do. Và tới những nước càng chậm phát triển thì nhân dân càng cần bổ sung lượng tự do lớn hơn, thậm chí lớn hơn cả phương Tây. Nếu chúng ta có lượng tự do lớn hơn phương Tây thì nhân dân chúng ta mới có khả năng bứt phá khoảng cách mà trong những thế kỷ trước chúng ta đã bỏ lỡ, chúng ta chưa làm được. Theo quan điểm của tôi, trong lịch sử nước Việt Nam chưa có một thời đại nào có đủ điều kiện để làm tốt việc ấy bằng giai đoạn hiện nay, giai đoạn có một đảng chính trị đã có thành tích cầm quyền. Bởi vì, để tạo ra tự do xã hội là việc rất khó. Ở những nước không nhất nguyên, không đơn nguyên như thế này, để thương lượng được khế ước nội dung của tự do là việc rất khó. Nhưng khi anh chỉ có một tổ chức cầm quyền thôi thì anh có rất nhiều điều kiện thuận lợi trong việc định ra những giới hạn khác nhau của tự do trong toàn bộ tiến trình phát triển của khái niệm này.
Như vậy, trước hết chúng ta phải có một chính phủ, một hệ thống chính trị, có một xã hội dân sự tương đối ổn định và có một độ tự do phù hợp với năng lực quản lý của nhà cầm quyền. Tôi không phải là người xem tự do là một đại lượng lãng mạn. Trong quyển sách Cội nguồn cảm hứng, tôi nói rằng tự do là một thứ ăn được, bản chất của tự do là tạo ra những giới hạn để con người phát triển phù hợp với năng lực của nó và năng lực của nhà quản lý. Và khế ước tự do của mỗi một giai đoạn phát triển luôn luôn là khế ước thể hiện sự thoả thuận. Cho nên, khi phân tích khái niệm đồng thuận, tôi nói rằng đồng thuận là kết quả tự nhiên của thoả thuận. Đồng thuận không phải là tôi đồng ý với anh, tất cả mọi người đồng ý với anh mà chúng ta đồng ý với nhau. Đấy mới là đồng thuận. Nếu chúng ta xây dựng một phong trào chính trị để tìm kiếm sự đồng ý với Đảng thì sẽ rất khó và là ảo tưởng. Nhưng nếu chúng ta tạo ra một cơ cấu xã hội để mọi người đồng thuận với nhau và mọi người có thể đồng thuận với sự hướng dẫn chính trị trong từng việc, trong từng nhiệm vụ, trong từng giai đoạn thì đấy mới chính là một cách thức tiếp cận hợp lý đến khái niệm này. Khi các anh đặt ra vấn đề kết hợp doanh nhân và trí thức với nhau thì tôi cho rằng cần phải nói về nền kinh tế tri thức, và đấy là một vấn đề cần cảnh báo. Nếu chúng ta nghiên cứu và viết ra được những điều ấy một cách công khai thì Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia tiên tiến trong trào lưu nghiên cứu về nguy cơ này của thế giới. Tôi có thể khẳng định rằng, thế giới chưa vạch ra mâu thuẫn giữa năng lực quản lý của các chính phủ với sự phát triển có tính chất vô chính phủ của nền kinh tế tri thức. Đây sẽ là một phát hiện của người Việt mà tôi thì không có đủ thời gian, không có đủ lực lượng, nên tôi muốn gợi ý các anh một vài khái niệm, với một bộ máy khổng lồ của Đảng thì các anh nên nghiên cứu. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ đóng góp cho thế giới chứ không phải chỉ đóng góp cho Đảng. Đấy là một mâu thuẫn cơ bản của thế kỷ này. Thế kỷ XXI không phải là thế kỷ của đấu tranh giai cấp, không phải là thế kỷ của chiến tranh lạnh Đông – Tây, không phải là thế kỷ của sự va chạm của các nền văn minh như Huntington nói. Thế kỷ XXI này là thế kỷ của sự đấu tranh giữa các chính phủ với những mặt không chính đáng của các nền kinh tế hay là những yếu tố lộng hành của nền kinh tế tri thức. Vấn đề các anh đặt ra, tôi tạm mở đầu như vậy để các anh chất vấn tôi.

Nguồn: Sưu tầm

No comments:

Post a Comment