8/22/11

Tọa đàm giữa ông Nguyễn Trần Bạt và các cán bộ nghiên cứu (Phần 2)



Ví dụ chính sách ảnh hưởng đến 5 người thì người ra chính sách có thể làm mà không cần hỏi ý kiến. Nhưng nếu ảnh hưởng đến 500 người tức là nó bắt đầu tác động đến xã hội một cách thật sự, và đến 5 triệu người thì buộc phải thẩm định ở mức cao nhất của đời sống chính trị. Nhưng hình như chúng ta không có những nguyên tắc như thế. 
Sau những cuộc gặp gỡ và va chạm với rất nhiều vấn đề, nhất là từ năm 1997 tôi bắt đầu hình dung ra việc viết cuốn Cải cách và sự Phát triển. Tôi đến rất nhiều nước để nghiên cứu cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997, đặc biệt ở Châu Á. Tôi có dẫn anh Bùi Xuân Khu, bây giờ là Thứ trưởng Bộ công thương, lúc bấy giờ là Tổng giám đốc của Vinatex. Tôi nói rằng “tôi có một chuyến đi đến Hàn Quốc do lời mời của sứ quán Hàn Quốc, ông có đi với tôi không?”. Ông ấy đồng ý. Tôi hỏi: “Thế ông đã đi Hàn Quốc bao giờ chưa?”. Ông ấy bảo “Tôi đi ba lần rồi”. “Thế ông có gặp gỡ ai không?”. “Không, chỉ lang thang thôi”. Do chúng tôi được tổ chức một cách cẩn thận nên dịp đó chúng tôi gặp rất nhiều người, trong đó có Thứ trưởng thường trực Bộ ngoại giao, Bộ thương mại, Thứ trưởng thường trực của Bộ kinh tế, Chủ tịch Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu, và Chủ tịch hãng thông tấn Yonhap, nơi cung cấp hầu hết các phát ngôn, quan điểm của chính phủ Hàn Quốc. Đến đó, tôi nghiên cứu tại sao nền kinh tế của họ khủng hoảng.
Tôi nhớ hồi đó, tôi có lên ti vi tham gia toạ đàm bàn tròn cho mục Xây dựng Đảng do anh Đậu Ngọc Đảm làm, chúng tôi thảo luận về cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong cuộc toạ đàm ấy có rất nhiều anh em, trong đó có cả anh Đào Xuân Sâm. Anh Sâm nói rằng: “Các đồng chí ơi! Tại sao xung quanh người ta sốt lên cả rồi mà mình lại không sốt lên được?”. Vào thời điểm ấy rất nhiều nhà nghiên cứu của chúng ta rất thắc mắc rằng tại sao một đất nước như thế này mà không có khả năng sốt lên được, tức là không có khả năng khủng hoảng. Nhiều khi chúng ta tự hào rằng chúng ta không chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng mà không phát hiện ra rằng đáng lẽ chúng ta phải đau khổ khi thấy nền kinh tế của chúng ta vô cảm với sự phát triển của thế giới. Bằng những ấn tượng như vậy, tôi viết quyển Cải cách và sự Phát triển. Trong quyển sách này, tôi có nói đến các cuộc cải cách cần thiết và cơ bản, đó là cải cách kinh tế, chính trị, văn hoá và giáo dục. Trong đó tôi xem cuộc cải cách giáo dục là cuộc cải cách tổng hợp thể hiện toàn bộ sự đổi mới về các quan điểm chính trị, kinh tế, văn hoá. Phải nói rằng chỉ riêng nghiên cứu cuộc cải cách giáo dục thôi, nếu có thời gian viết về nó thì nó trở thành một công trình lớn. Trong quyển sách này, ngoài việc liệt kê những cuộc cải cách cơ bản mà bất kỳ một thể chế nào cũng phải làm, chúng tôi còn nghiên cứu những điều kiện cơ bản của từng cuộc cải cách và nghiên cứu cả việc phải kết hợp một cách đồng bộ các cuộc cải cách như thế nào. Trong đó chúng tôi đưa ra một khái niệm là “độ thấm của các chính sách vĩ mô”. Chính việc chúng ta không làm rõ khái niệm độ thấm của các chính sách vĩ mô vào đời sống xã hội cho nên nhiều chính sách của chúng ta khi ban hành thiếu tính nhân dân. Ví dụ, cấm hàng rong là thiếu tính nhân dân. Anh đưa ra cái anh muốn nhưng anh không hiểu cuộc sống đã muốn cái anh muốn chưa. Cho nên phải nói rằng, một loạt các chính sách của chúng ta trong giai đoạn gần đây là thiếu tính nhân dân, thiếu sự chiếu cố thoả đáng đến các trạng thái thực của đời sống. Tôi có đưa ra một số bài báo là cần phải có một quy trình bắt buộc đối với việc hoạch định chính sách. Ví dụ chính sách ảnh hưởng đến 5 người thì người ra chính sách có thể làm mà không cần hỏi ý kiến. Nhưng nếu ảnh hưởng đến 500 người tức là nó bắt đầu tác động đến xã hội một cách thật sự, và đến 5 triệu người thì buộc phải thẩm định ở mức cao nhất của đời sống chính trị. Nhưng hình như chúng ta không có những nguyên tắc như thế. Ví dụ chuyện xe ba bánh, xe tự chế, với tư cách là một người vẫn còn tiếp tục sống trong đời sống thông thường, tôi rùng mình về sự phiêu lưu chính trị như vậy. Các anh nghiên cứu, học tập gương Bác Hồ vĩ đại để duy trì, dùng lịch sử để duy trì mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, nhưng những chính sách như vậy đi ngược lại hoàn toàn, gây những phản ứng ngược lại hoàn toàn với mong muốn như vậy. Phải nói rằng sự coi thường nhân dân, sự không đếm xỉa đến chất lượng nhân dân của luật pháp và chính sách đã bắt đầu trở thành một tai hoạ của đời sống chính trị. Rất đáng tiếc không ai nhận thức được chuyện này. Có nhiều nhà lãnh đạo cấp cao vẫn nói rằng chúng ta phải nuôi dân, chúng ta phải lo cho dân… Tôi đã nói với Đài truyền hình Việt Nam là tôi đề nghị các anh đưa ra một yêu cầu là không nói chữ “dân”. Nhân dân không phải là cấp dưới của Nhà nước. Bản chất của nền dân chủ là người dân làm chủ thể chế của mình chứ không phải thể chế cai quản người dân. Hay nói về quân đội của chúng ta chẳng hạn, tôi có nói với một số anh cựu chiến binh là quân đội nhân dân Việt Nam là thành phẩm của quá trình liên doanh giữa Đảng Cộng Sản Việt Nam và nhân dân. Nếu quân đội chỉ bảo vệ Đảng (rất nhiều đồng chí vô tình nói như thế mặc dù trong đầu có thể không nghĩ thế), thì tự nhiên khi xem, khi nghe, người ta sẽ hiểu là hoá ra các ông ấy làm như thế là vì các ông ấy. Trong cuốn Văn hoá và Con người của tôi có phần văn hoá chính trị, đấy là tôi muốn nói rằng cần phải chấn chỉnh lại hệ thống ngôn ngữ, không được để nó diễn ra một cách ngẫu nhiên, nó tạo ra một quá trình tuyên truyền ngược lại với các nguyên lý căn bản nhất của đời sống chính trị mà chúng ta tôn thời. Trong tất cả những cuốn sách này tôi có nói về chuyện ấy. Chuyện ấy có thể không phù hợp lắm với thẩm mỹ chính trị của nhiều đồng chí hiện nay nhưng tôi nói rằng những giá trị như vậy, những khẳng định như vậy không thể chối bỏ được. Sớm hay muộn gì thì các nhà lãnh đạo của chúng ta cũng phải tiếp cận với kỷ luật của đời sống, mà kỷ luật quan trọng nhất của đời sống là sự đến gần các chân lý của nó.
Đây là lần đầu tiên gặp các anh các chị, nên tôi dành thời gian mở đầu câu chuỵên bằng cách tự giới thiệu mình. Anh Quang có đề nghị tôi nói sâu về cải cách chính trị. Tôi thưa với các anh các chị là sách đã có rồi, nếu mọi người chưa có thì tôi xin biếu, hoặc là đã đọc rồi thì các anh hỏi, tôi trả lời. Tôi không thích sự độc thoại. Tôi sẵn sàng trả lời những chất vấn của các anh các chị, những cũng phải nói trước là tôi là người không tranh luận. Nếu các anh các chị bảo tôi sai thì tôi sẽ im, lý do rất đơn giản là tôi là người tôn trọng tính đa dạng của đời sống. Nguyên lý tư tưởng của tôi là tôn trọng sự đa dạng tự nhiên, bởi vì nó là bản chất của cuộc sống. Cũng như lúc đầu tôi nói là không thể ghép đa nguyên và đa đảng được. Chúng ta có thể ngăn chặn sự đa đảng nhưng chúng ta không tiêu diệt sự đa nguyên được bởi vì đa nguyên là bản chất của cuộc sống. Về mặt chính trị chúng ta không cho phép đa đảng, hay chúng ta chưa được thành lập đảng chính trị vào giai đoạn thế kỷ thứ XXIII chẳng hạn, đó là quyền của những người cầm quyền. Khi anh vẫn cầm quyền tức là anh vẫn có quyền. Nhưng anh không thể nói rằng: vườn nhà các cậu chỉ trồng xà lách không thôi, trồng rau muống không thôi, không được trồng rau nào khác. Trong bài viết của tôi gửi giáo sư Phạm Ngọc Quang theo yêu cầu của giáo sư, tôi đã nói rõ điều ấy. Tôi dừng lại ở đây. Rất muốn các anh các chị có gì thắc mắc cần phải hỏi thêm tôi, tôi sẽ trả lời. Sức mạnh của tôi là trả lời nhanh câu hỏi của các anh các chị. Chỗ nào tôi không biết thì tôi sẽ nói là tôi không biết. Tôi không phải là một nhà hàn lâm chuyên nghiệp, tôi cũng không định trở thành một nhà hàn lâm chuyên nghiệp, nhưng tôi muốn trở thành một con người biết mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. Rất có thể quan đểm của tôi không làm vừa lòng một số anh chị ngồi đây, hoặc là làm bất tiện chính trị cho một số anh chị ngồi đây. Với tư cách là vệ sỹ lý luận của Đảng, nghe thấy tôi nói ngang ngang như thế mà không chất vấn thì bất tiện cho các anh các chị. Cũng có thể có một số anh chị đồng ý với tôi mà không nói ra được. Hoặc cũng có anh cho rằng anh này không được, phải đấu tranh với nó. Cho nên, tôi phải nói trước là tôi không tranh luận, vì tôi là người tôn trọng tính đa dạng của đời sống tinh thần. Trong bài viết gửi giáo sư Phạm Ngọc Quang, đoạn hay nhất là đoạn tôi nói về trí thức. Tôi xin đọc lại để các anh các chị hiểu rõ quan điểm của tôi và để dễ chất vấn tôi hơn:
“… Hiện nay, bằng rất nhiều hoạt động, Đảng luôn thể hiện sự quan tâm đến đội ngũ trí thức, muốn xây dựng đội ngũ trí thức, đó là dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, phương pháp hay động cơ của việc này cần phải được xem xét và cân nhắc một cách rất cẩn thận. Vấn đề đặt ra là Đảng muốn gì ở trí thức. Nếu Đảng muốn có một đội ngũ trí trức của mình, phục vụ cho mình thì chỉ cần xây dựng đội ngũ trí thức theo cách thức hiện nay là đủ, còn nếu Đảng muốn có một đội ngũ trí thức để lý giải những hiện tượng chính trị, xã hội để có thể hoạch định những chính sách tốt thì cần phải có một đội ngũ trí thức theo cách khác. Bộ chính trị vừa qua có ra quyết định xây dựng một nghị quyết về vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức. Trong quá khứ, hầu hết các Đảng Cộng Sản trên thế giới, đều đã từng làm việc này. Họ xây dựng nền văn hoá để kiểm soát xã hội về mặt thái độ chính trị, xây dựng đội ngũ công nhân để làm chỗ dựa, làm lực lượng chính trị, xây dựng đội ngũ trí thức làm trí khôn chính trị, tức là những người cầm quyền luôn muốn biến xã hội trở thành lực lượng của mình, công cụ của mình mà quên mất rằng làm như vậy sẽ khiến cho xã hội không còn tự do nữa. Để xây dựng đội ngũ trí thức thì vấn đề đầu tiên đặt ra cho những người thực hiện là phải xây dựng tiêu chuẩn để nhận diện trí thức, nhưng đặt ra vấn đề xây dựng tiêu chuẩn để nhận diện trí thức là rất chủ quan, bởi vì, trong một xã hội cơ hội thì trí thức là kẻ nhạy cảm nhất và đủ năng lực để biến hình, biến màu trở thành kẻ cơ hội sớm nhất và giỏi nhất. Những người cầm quyền nếu không đủ tinh khôn, không đủ kinh nghiệm thì sẽ rất dễ mắc phải sai lầm là nhận dạng trí thức dưới hình thức của những kẻ cơ hội. Vậy thì nhận dạng để làm gì? Có những lúc chúng ta nói rằng trí thức đã bắt đầu trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thông qua lý thuyết về nền kinh tế trí thức là lập tức chúng ta có những sự biến hình rất vĩ đại xảy ra trên quy mô xã hội, đó là sự xuất hiện của hàng chục nghìn tiến sỹ giáo sư kém chất lượng. Như thế tức là trí thức là những kẻ biến hình. Nhà cầm quyền càng xây dựng hệ tiêu chuẩn và càng công bố, càng tuyên truyền về nó thì xã hội càng bị lôi kéo theo những tiêu chuẩn phiến diện, vì nó chỉ được xác nhận bởi những người có quyền lực. Nếu làm như vậy thì xã hội sẽ không những có thêm trí thức mà những trí thức sẵn có cũng trở nên biến dạng. Đấy là một nguy cơ.
Vậy chúng ta phải làm gì để nhận dạng những tri thức đích thực? Tôi cho rằng vấn đề này thực ra không khó. Trí thức chân chính luôn luôn đối lập một cách tự nhiên đối với nhà cầm quyền, cho nên, thay vì xây dựng các tiêu chuẩn nhận diện thì chúng ta chỉ cần nhận diện trí thức bằng thuộc tính tự nhiên cơ bản của lực lượng này, đó là “tính đối lập”. Những ai không có năng lực đối lập thì dường như rất khó để trở thành trí thức. Những ai không có phản ứng về sự vô lý, về sự thiếu nhân đạo, về sự thiêú hiểu biết thì kẻ đó dứt khoát không phải là trí thức. Trí thức là người có năng lực phản xạ một cách tự nhiên trước những sự vô lý của xã hội mà đặc trưng là nhà cầm quyền. Cho nên, tiêu chuẩn để phát hiện một cách chính xác và nhanh nhất người trí thức chính là tính đối lập và các phản ứng của họ đối với nhà cầm quyền. Và tiêu chuẩn để phân biệt sự khác nhau giữa các cá thể trí thức, giữa các nhóm trí thức là mức độ đối lập của nó đối với nhà cầm quyền. Trạng thái đối lập cực đoan là trạng thái đối kháng. Trạng thái đối lập khôn ngoan, phải chăng và tích cực là trạng thái không đối kháng. Ở mọi thời đại, tất cả những trí thức vĩ đại đều là những người đối lập tích cực. Nghiên cứu tính đối lập của trí thức, tôi thấy rằng có 4 điểm cơ bản: Thứ nhất, trí thức đối lập với nhau để hình thành một trong những sinh hoạt phổ biến tạo ra sự sáng tạo và lựa chọn, đó là tranh luận. Thứ hai, trí thức đối lập với nhà cầm quyền để tạo ra một sinh hoạt rất phổ biến, đó là sinh hoạt phản biện. Thứ ba, tri thức đối lập với những yếu tố văn hoá xâm nhập từ bên ngoài để tạo ra năng lực chọn lọc của xã hội. Và cuối cùng, trí thức phải đối lập với quá khứ để tạo ra động lực của sự phát triển và năng lực phỏng đoán tương lai…”
Liên quan đến vấn đề trí thức, anh Hiên có đến làm việc với tôi để góp ý cho nghị quyết về trí thức. Tôi đã thảo luận với anh Hiên về vấn đề này một cách khá gay gắt. Tôi nói rằng không có tiêu chuẩn nhận diện, nếu có đặt ra tiêu chuẩn nhận diện thì lực lượng đi nhận diện cũng rất khó thực hiện. Rất nhiều nỗi oan ức ngay cả trong những trí thức quan trọng của Đảng, ngay trong tâm lý các anh cũng có điều ấy. Tôi cho rằng trí thức là những người có trách nhiệm, người có trách nhiệm bao giờ cũng đối lập với mọi sự sai trái của cuộc sống, mà sự sai trái dễ nhận thấy nhất là sự sai trái của nhà cầm quyền, cho nên nhà chính trị phải rèn luyện để đủ năng lực đối thoại với kẻ đối lập với mình. Trong một xã hội mà nhà chính trị không đủ năng lực để đối thoại với người đối lập với mình về mặt hiểu biết thì rất khó để xã hội ấy trở thành một xã hội phát triển. Đấy là những luận điểm cơ bản của tôi nằm trong quyển sách này và nằm trong bài viết mà tôi gửi cho giáo sư Phạm Ngọc Quang.
Ông Phạm Ngọc Quang: Thay mặt cho anh em ở đây, cảm ơn anh Bạt đã có một số ý kiến tâm huyết và trao đổi với anh em. Thực ra tôi được quen anh Bạt cách đây có một tuần thôi, nhân dịp tôi mời anh Bạt đến để trao đổi với chúng ta, nhưng anh Bạt đề nghị tôi ra ngoài này gặp anh để trao đổi. Tôi biết anh Bạt trước đó là qua sách,cuốn Cải cách và phát triển, xuất bản quý 4 năm 2005 thì tháng 12 tôi mua quyển sách này. Sau đó quyển Văn hoá tôi mua năm 2006 và quen anh Bạt qua môt số bài viết trên mạng internet. Trong quá trình làm ở Hội đồng Lý luận Trung ương, tôi được giao chuẩn bị một công trình lớn của Hội đồng mà đã xuất bản dày trên 500 trang, đầu đề cuốn sách ấy là “Đổi mới và phát triển Việt Nam, một số lý luận thực tiễn”. Khi hình thành bản thảo ấy, tôi đã đọc cuốn sách này của anh và nói thật với anh là tôi đã đưa một số vấn đề của anh vào trong tác phẩm ấy để phê phán. Sau đó, khi đưa ra một hội đồng để xem xét thì thấy những ý đó cần phải được nhgiên cứu tiếp. Do vậy tôi đã rút những ý đó ra khỏi cuốn sách đó. Cuốn sách ấy được xuất bản từ 2006 mà không có đoạn phê phán về một số ý của anh. Phải nói thực là tôi cũng không hẳn là hoàn toàn chia sẻ với anh tất cả các ý mà anh viết. Anh nói là bản thân không tranh luận và tôn trọng tính đa dạng. Theo tôi việc tôn trọng tính đa dạng và không tranh luận, hai việc đó không mâu thuẫn với nhau. Nếu tranh luận để đi tới áp đặt chân lý là sai lầm. Nếu tranh luận để hiểu rõ nhau, để hiểu quan điểm này có cơ sở gì là cần thiết. Bên cạnh đó tôi nghĩ rằng đề nghị anh trong buổi hôm nay phá vỡ cái lệ ấy, cần trao đổi một số ý mà anh em đặt ra để hiểu rõ thêm về quan điểm của anh chứ không phải tranh luận để áp đăt chân lý.
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi thấy cần phải nói rõ hơn là tôi không viết quyển sách này cho các giáo sư của học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Bởi vì tôi chờ đợi ở các anh những thứ như thế này chứ không phải là tôi viết cho các anh. Phải nói là tôi viết những cuốn sách này là để giữ lại khán giả trong rạp trong khi chờ đợi các tiết mục chính từ các anh. Những quyển sách của tôi giống như một rổ khoai luộc để chờ cơm chín. Tranh luận với các anh tức là tranh luận với một đối tượng chuyên nghiệp, tôi không phải là một nhà hàn lâm chuyên nghiệp và do đó tôi không tự xếp mình ngang các anh để tranh luận. Cho nên các anh chất vấn và tôi trả lời, tôi làm rõ quan điểm của tôi để các anh thấy. Còn để kết luận là tôi sai ở chỗ này, các anh đúng ở chỗ kia thì tôi sẽ không theo đuổi câu chuyện như vậy.
Ông Phạm Ngọc Quang: Tôi đã đọc một số tác phẩm của anh, có những điểm mà tôi có một số hiểu biết nhất định, cũng có những điểm mà theo tôi cần phải hiểu rõ hơn. Tôi tạm thời nêu một vài ý sơ bộ thế này:

- Xung quanh cuốn Cải cách và sự Phát triển, một điểm lớn trở thành tuyên ngôn của anh là “Lý luận Phi Cách mạng”, nghĩa là anh không tán thành việc tiếp tục xuất hiện các cuộc cách mạng, và từ đó anh nêu quan điểm của anh Cách mạng là gì. Quan điểm của anh về Cách mạng là đúng. Đấy là việc thay đổi trật tự xã hội cũ để tạo ra sự nối tiếp ngẫu hứng. Theo tôi quan điểm ấy không có gì phải tranh luận. Nhưng từ đó anh cho rằng cách mạng như vậy phải trả giá quá đắt, và hậu thế phải trả giá không biết bao giờ mới xong. Và từ đó, theo anh cách mạng ở thời kỳ trước kia thì được, bây gìơ càng phát triển bao nhiêu thì cách mạng ấy càng ít giá trị bấy nhiêu. Do vậy cần phải thay đổi cách mạng bằng cải cách. Tôi muốn đề nghị anh làm rõ ý này.
- Thứ hai, anh cho rằng tự do với chính trị là giải phóng con người ra khỏi chính trị. Tôi chưa rõ là như thế nào. Có phải tự do với chính trị là giải thoát con người ra khỏi chính trị hay không? Trong xã hội luôn có chính trị. Vậy con người có bao giờ hoàn toàn thoát khỏi chính trị hay không, và trên thực tế có điều đó không?
- Ý thứ ba là anh nói cần phải có một hệ tiêu chuẩn về cải cách, trong đó tiêu chuẩn cơ bản về cải cách kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội là cái gì, và tinh thần chung là gì? Và theo anh hệ tiêu chuẩn mang tính toàn cầu về chính trị bây giờ là gì? Nêú người ta nói rằng toàn cầu hoá hiện nay là toàn cầu hoá dưới sự chi phối của tư bản,thậm chí một số người cho rằng toàn cầu hoá hiện nay là toàn cầu hoá tư bản chính trị. Vậy giữa quan điểm đó với quan điểm của anh là hội nhập chính trị toàn cầu với tiêu chí toàn cầu ấy có gì giống hay khác nhau?
- Ý thứ tư là vấn đề giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Tôi đọc một số tài liệu thấy người ta nói rằng ngay một số quan chức của Pháp cũng lý giải rằng thất bại của họ ở Việt Nam là do không hiểu văn hoá Việt Nam. Một số quan chức Mỹ cũng nói như vậy. Vậy bây giờ anh lại đặt ra vấn đề là không nên giữ bản sắc văn hoá. Anh cho ý kiến thêm về vấn đề này.
Ý cuối cùng là anh rằng cần phải phi chính trị hoá nhà trường. Trong xã hội hiện nay, liệu có thể phi chính trị hoá nhà trường ở mức nào thì có thể chấp nhận được? Ở mức nào thì không thể có được cái đó? Ta đặt ra cái đó liệu có ảo tưởng hay không, có mang tính thực tế hay không?Ông Nguyễn Trần Bạt: Đúng là nguyên lý căn bản của tôi trong quyển sách này là nguyên lý phi cách mạng. Tại sao lại như vậy? Chúng ta cứ nói cách mạng ở trên giấy, nói cách mạng ở trên sách, chúng ta làm thơ về cách mạng, nhưng chúng ta không biết rằng mọi cuộc cách mạng đều để lại những di chứng khổng lồ, kể cả cuộc cách mạng không có bạo lực. Tôi có nói trong quyển sách này là cái di chứng của cách mạng không phải là chết chóc mà là sự sợ hãi. Và sự sợ hãi các di chứng của cách mạng không chỉ có trong người dân mà có ngay trong cả những người lãnh đạo, những người cầm quyền. Tôi có tranh luận với đại sứ Ukraine. Tôi bảo tôi sẵn lòng. Các ông ấy tự ca ngợi các ông ấy đã thành công với cách mạng Cam, Cách mạng Nhung, nhưng bây giờ các anh chị thấy rằng thực tế cách mạng ở Ukraine không hề Cam, không hề Nhung, mà người ta vẫn tiếp tục khuếch trương tất cả những thắng thua của từng giai đoạn và nó kéo dài tình trạng cả dân tộc quấn theo những thứ không gắn với sự phát triển tự nhiên của cuộc sống. Ở Việt Nam chẳng hạn, các anh thấy rằng cuộc tranh luận giữa nhà cầm quyền Việt Nam với ông linh mục trong sự cố liên quan đến nhà thờ công giáo gần đây là tranh luận về quyền sở hữu đất đai. Sự thay đổi quyền sở hữu đất đai là kết quả của cuộc Cách mạng. Người Việt Nam chúng ta còn phải tham gia vào giải quyết những hậu quả cách mạng ấy trong 50-70 năm nữa chứ không phải bây giờ. Cách mạng buộc phải thay đổi một cách quyết liệt, ngay lập tức, nhưng bây giờ chúng ta làm chủ xã hội thì chúng ta phải có ý thức về sự hợp lý hoá hằng ngày của toàn bộ các tiến trình phát triển. Cho nên tôi nói rằng cần phải thay thế cách mạng bằng cải cách chứ tôi không phủ nhận cái việc cần phải làm biến mất những điều bất hợp lý và thay thế nó bằng những điều hợp lý. Tức là ở đây tôi muốn nói là quy trình tạo ra sự thay đổi, sự phát triển như thế nào thì phù hợp. Nguồn năng lượng mà nhân loại có không đủ để tiến hành các cuộc cách mạng. Người ta đưa ra những dự báo là vào những năm 40 của thế kỷ này, các năng lượng cacbon sẽ hết, và người ta buộc phải nghiên cứu các dạng năng lượng khác. Trên thế giới người ta đã nghiên cứu sử dụng năng lượng nhiệt trong lòng trái đất, rồi nghiên cứu năng lượng sóng, năng lượng gió… Nhưng tất cả những nghiên cứu ấy chỉ ra rằng nhân loại vẫn chưa đủ tiền để đầu tư và bây giờ người ta vẫn tiếp tục dùng nguồn năng lượng sẵn có, vẫn tiếp tục thay thế nó bằng năng lượng hạt nhân, và cái đấy ẩn chứa một nguy cơ khổng lồ. Các cuộc cách mạng luôn kéo theo sự sợ hãi, sự bất ổn định tinh thần, làm con người dừng lại không sáng tạo. Nếu như chúng ta tạo ra một trạng thái yên ổn thì mọi người đều có thể là tư tưởng của riêng mình, mọi người đều có thể trở thành nhà khoa học của riêng mình. Do đó, tỷ lệ con người có năng lực sáng tạo sẽ lớn hơn, phổ biến hơn và điều đó làm cho nhân loại trở nên tiết kiệm hơn. Cho nên, luận điểm của tôi là luận điểm nhân loại không còn đủ sức chịu đựng các cuộc cách mạng. Nói cho cùng, các cuộc cách mạng diễn ra trong thực tế đời sống của lịch sử nhân loại cũng không nhiều lắm, mà hậu quả của nó đã ghê gớm như vậy. Sự sụp đổ của Liên bang Xô viết là kết quả của cách mạng. Nhân cái đà đấy, người ta đã tạo ra một quốc gia là kết quả của sự cưỡng bức rất nhiều thứ. Và nói rằng cách mạng là một cơ hội lớn cho rất nhiều kẻ cơ hội. Có thể ở chúng ta không có, nhưng trên thế giới những kẻ cơ hội như vậy rất nhiều. Những kẻ cơ hội nhân dịp cách mạng bằng một số trò láu cá chính trị mà trở thành kẻ cầm quyền thì tại họa của nhân loại là không thể tưởng tượng được. Cho nên, các nhà chính trị mọi thời đại, ở mọi quốc gia cần phải tỉnh táo tạo ra một lộ trình hoàn toàn chủ động để xây dựng sự hợp lý của đời sống. Đấy là tư tưởng cơ bản của tôi.
Về ý thứ hai mà anh nói là tự do chính trị. Tự do về chính trị là giải phóng con người ra khỏi chính trị. Tôi có thể hoàn toàn làm rõ quan điểm này. Giải phóng con người ra khỏi chính trị là giải phóng con người ra khỏi những động cơ chính trị cụ thể, những áp đặt chính trị cụ thể. Chính trị là một mặt của đời sống, không ai ra khỏi chính trị hoàn toàn được, nhưng cái chính trị mà con người có một cách tự nhiên với cái chính trị ép buộc phải có là hai cái khác nhau. Khi con người bị ép buộc về chính trị thì con người mất cảm hứng sống và mất cảm hứng phát triển. Trong tác phẩm “ Bàn về lý luận không có con người” mà ông Trần Đức Thảo viết, ông ta có nói đến khía cạnh này. Bằng những lập luận như vậy, tôi muốn nói rằng cần phải trả cho con người cuộc sống, mà nói đến cuộc sống là phải yên ổn, nó phải bình dị, phải tự nhiên. Khuyến khích nó thì được nhưng ép nó thì không được. Đôi lúc chúng ta cố ép, chúng ta ép đến mức ngay cả những người đứng đầu một hệ thống chính trị cũng trở nên mất tự do. Tôi nhìn hình ảnh các nhà lãnh đạo cầm tờ giấy khi nói chuyện với các nguyên thủ nước ngoài là tôi thấy đau khổ. Tại sao lại có một không khí, một tiêu chuẩn để ngay cả các nhà lãnh đạo ở cương vị cao nhất cũng không cảm thấy mình tự do? Tôi là một kẻ vô danh tiểu tốt, tôi trốn vào một ngõ hẻm như thế này, tôi tự do hay không tự do, tôi chịu sức ép hay không, không ai biết, nhưng với những người giữ địa vị quan trọng và luôn xuất hiện trước mặt thiên hạ thì khác. Bây giờ các anh thấy rằng đi ra ngoài đối thoại mà không có tự do thì không được người ta tôn trọng. Năm 1990 tôi có một cuộc nói chuyện ở Washington DC với khoảng 700 doanh nghiệp, người lái ô tô đưa tôi đến hội trường là giáo sư Leonardo Unger, nguyên thứ trưởng Bộ ngoại giao Hoa Kỳ mà tôi quen ở Việt Nam. Tôi nói với giáo sư là đưa tôi đến chỗ bức tường kỷ niệm người Mỹ chết trận ở Việt Nam và lái về chỗ hội trường chậm 1 phút, ông ấy không hiểu ý tôi, nhưng tôi nhờ nên ông ấy làm đúng như vậy. Đến chỗ bức tường ấy tôi mua một bó hoa đặt vào đấy, khi tôi đến hội trường muộn 1 phút thì tất nhiên người ta đặt câu hỏi: tại sao ông đến muộn. Tôi giải thích là tôi đến để đặt bó hoa lên bức tường kỷ niệm. Có một anh giám đốc Việt Kiều 70 tuổi hỏi tôi ngay: tại sao anh làm như thế? Tôi trả lời, loài người chúng mình được cho là động vật thông minh mà đã là thông minh thì nó không mang khái niệm hộ chiếu lên thiên đường. Nếu không có các động thái như vậy thì tôi không đủ tự tin để nói chuyện với các vị ở đây. Các anh, các chị mà thấy các nhà ngoại giao của chúng ta đi ra nước ngoài thì đau khổ lắm, không một ai tự nhiên, không một ai tự do. Và phải nói thật là họ ít sợ địch hơn là sợ đồng nghiệp ở nhà. Những hiện tượng như vậy bóp chết cảm hứng sống, cảm hứng sáng tạo của con người.
Về ý thứ ba, tôi hoàn toàn không đồng ý với anh Quang rằng toàn cầu hóa và toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa, đấy là một quan điểm sai trái và lạc hậu về mặt chính trị hay lạc hậu về mặt khoa học. Toàn cầu hóa không có ai lãnh đạo, những kẻ nhiều tiền có khuynh hướng thắng thế trong quá trình toàn cầu hóa, nhưng khi nó thất bại thì nó trả giá rất đau. Người Mỹ đang trả giá cho việc toàn cầu hóa một cách thái quá đến mức mất khả năng kiểm soát, bởi vì toàn cầu hóa có mặt trái của nó. Toàn cầu hóa là một quá trình tự nhiên và những kẻ chiếm ưu thế là những kẻ nhiều tiền. Tuy nhiên không phải cứ có tiền là có ưu thế. Trong thời đại hiện nay, trí tuệ bắt đầu trở thành quyền lực, trở thành sức mạnh, mà những kẻ có tiền chưa chắc là những kẻ có trí tuệ. Vì thế, với một nước nghèo như chúng ta thì giới trí thức của chúng ta buộc phải có trí tuệ, buộc phải khôn ngoan. Khi thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ, tôi có ra lệnh trong công ty của tôi là ai mà dính đến chứng khoán là tôi buộc thôi việc. Và tôi cũng đã nói khi trả lời phỏng vấn của báo chí là thị trường chứng khoán này sẽ phá vỡ toàn bộ thành tựu 20 năm xóa đói giảm nghèo của đất nước chúng ta. Có thể còn nhiều người chưa đồng ý với kết luận của tôi, nhưng tôi chắc chắn rằng giờ này Quốc hội Mỹ đã đồng ý với kết luận của tôi khi xem xét vấn đề khủng hoảng tài chính. Tất cả các quỹ này, quỹ kia mà người Việt Nam chào đón là những kẻ môi giới sự thất thoát quyền lực không chỉ về kinh tế mà còn là sự thất thoát quyền lực chính trị. Chúng ta đón chào những kẻ địch tương lai mà chúng ta không biết. Chúng ta không biết bởi chúng ta không đủ trí khôn. Nếu chúng ta không đủ trí tuệ để tạo ra sự khôn ngoan của dân tộc thì chúng ta vẫn là nước bé. Chúng ta ở bên cạnh Trung Quốc khổng lồ, đấy là một bất lợi lớn cho chúng ta. Tôi gọi nền sản xuất của nước CHND Trung Hoa là một chiến dịch phá hoại vĩ đại đối với toàn bộ năng lượng sống và phát triển của thế giới. Điều này tôi không chỉ nói với các anh, tôi đã từng nói với anh Trần Nguyên là con trai của Phó chủ tịch Đảng cộng sản Trung Quốc Trần Vân tại Bắc Kinh, trong khi chúng tôi ăn cơm với nhau tại Bắc Kinh. Với việc biến tất cả các nguyên liệu được sản xuất một cách nghiêm túc như thế này trở thành các phế phẩm, trở thành những bộ quần áo chỉ mặc vài ngày là vứt thì tôi không hiểu người Trung Quốc sẽ đi đến đâu. Tôi nói với bà đại sứ Mỹ Barshefsky trước đây là đại diện thương mại của chính phủ Hoa Kỳ rằng, với tình trạng sản xuất như thế và cung ứng hàng hóa như thế, nước CHND Trung Hoa đã làm cho nền văn hóa tiêu dùng của thế giới bị biến dạng và bị hạ lưu hóa như thế nào. Tôi cảnh báo điều này từ năm năm trước chứ không phải bây giờ.

Nguồn: Sưu tầm

No comments:

Post a Comment